Với sự tiện lợi của mình, tủ lạnh là một trong những đồ dùng không thể thiếu trong các gia đình hiện nay. Tất cả mọi thực phẩm, đồ ăn, nước uống,… đều được cho vào “chiếc túi khổng lồ” này mà không sợ hư hỏng.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, chiếc tủ lạnh nhà mình sẽ chập chờn, không lên điện hay gặp trục trặc không? Lúc đó, bạn sẽ bảo quản đồ ăn như thế nào? Trong bài viết hôm nay, FORZA Việt Nam sẽ mách bạn top những cách bảo quản thực phẩm không cần đến tủ lạnh.
Bảo quản theo loại thực phẩm
Với mỗi loại thực phẩm, chúng ta lại có những cách bảo quản khác nhau. Hãy tham khảo cách phân loại sau đây:
Thực phẩm đã nấu chín
Đối với những thức ăn đã nấu chín, bạn hãy đun lại thức ăn một lần nữa, sau đó cho vào nồi nhôm hoặc inox sạch để nguội rồi đậy kín vung.
Sau đó, đặt vào trong một chậu nước lạnh to sao cho bề mặt nước cách miệng nồi khoảng từ 7-10cm để tránh nước tràn. Như vậy là bạn đã có một chiếc “tủ lạnh tự chế ”để bảo quản thức ăn chín rồi!
Thực phẩm tươi sống
Các loại thực phẩm tươi sống, nhất là cá, thịt hay hải sản sẽ rất dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận. Khi không có tủ lạnh, bạn có thể cho chúng vào hộp, ướp muối phủ kín bề mặt hoặc cho một ít tiêu lên. Cách làm này vừa có thể tăng thời gian bảo quản, lại giúp loại thực phẩm này có hương vị thơm ngon hơn khi chế biến.
Riêng đối với cá, bạn có thể rửa sạch, để ráo nước sau đó rán áp chảo, khi đó, cá sẽ có một lớp bảo vệ bên ngoài, hãy để chỗ cao ráo và thoáng mát.
Các loại rau
Rau thường không giữ được độ tươi lâu, chúng sẽ héo đi nếu không có biện pháp bảo quản phù hợp. Đối với loại thực phẩm này, bạn nên nhúng phần lá vào chậu nước lạnh và đặc biệt không được nhúng phần ngọn. Làm như vậy, chỉ ít phút sau, rau sẽ tươi trở lại, tuy nhiên, bạn cũng lưu ý là không nên ngâm cả ngày vì rau sẽ bị úng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt và làm khô rau dưới ánh nắng mặt trời. Cách này sẽ làm mất nước và ngăn chúng khỏi sự tấn công của vi khuẩn.
Các loại củ quả
Những loại củ quả như cà rốt hay hành lá, bạn có thể bảo quản được lâu hơn bằng cách sử dụng một ít cát sạch, ẩm và dựng chúng lên theo chiều thẳng đứng giống như là khi vẫn còn ở trong đất.
Còn có rất nhiều cách bảo quản khác tùy thuộc vào loại thực phẩm củ quả cụ thể như miếng chanh đã cắt một nửa, nửa còn lại úp xuống đĩa có sẵn ít dấm. Hay bạn có thể xếp khoai tây cạnh những quả cà chua chín bởi vì khí ethylene tỏa ra từ cà chua chín sẽ gây ức chế quá trình nảy mầm của khoai tây khiến khoai tây sẽ tươi và sử dụng được lâu hơn.
Bảo quản theo phương pháp cụ thể
Những mẹo bảo quản theo loại thực phẩm trên chỉ là giải pháp tạm thời và chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn. Để bảo quản được thức ăn lâu hơn, bạn hãy tham khảo một số cách dưới đây:
Hun khói
Hun khói là một trong những phương pháp bảo quản đồ ăn đã có từ lâu và được ưa chuộng, phát triển rộng rãi ở các nước Châu Âu. Thực chất của phương pháp này là sự kết hợp giữa sấy khô và làm thẩm thấu các hợp chất tự nhiên trong khói gỗ vào thực phẩm. Cách làm này sẽ làm tăng thêm hương vị đậm đà, thơm ngon cho đồ ăn, đồng thời giúp giữ lại các chất dinh dưỡng một cách tối đa, trọn vẹn nhất.
Tuy quá trình này có thể tốn thời gian nhưng đem lại hương vị ngon cho món ăn và bạn có thể giữ chúng không bị hư hỏng trong vài ngày.
Muối chua
Đây là cách bảo quản thực phẩm quen thuộc và dễ dàng thực hiện nhất. Để muối chua thực phẩm, hãy ngâm chúng trong một hỗn hợp giấm đun sôi để nguội. Khi đó, các phản ứng hoá học xảy ra sẽ khiến thực phẩm giữ được lâu hơn. Bạn có thể áp dụng cách này để làm các món như: dưa muối, cà muối, bắp cải muối,…
Làm khô
Ngoài muối chua thì làm khô cũng là một phương pháp bảo quản đồ ăn không cần tủ lạnh cực kỳ hữu ích được ông bà ta sử dụng rất thường xuyên. Nấm mốc, vi khuẩn thường phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, nên việc sấy khô sẽ bảo quản thực phẩm rất hiệu quả trong thời gian dài bởi chúng được loại bỏ hết nước, từ đó cô đặc được hương vị và chất dinh dưỡng có trong đồ ăn.
Bạn có thể mua máy khử nước thực phẩm hoặc sử dụng lò nướng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên lò nướng sẽ cần mất nhiều giờ để khử nước hoàn toàn. Sau khi làm khô các thực phẩm, đặc biệt là trái cây, bạn có thể ăn nguyên hoặc bù nước bằng cách ngâm trong nước vài giờ.
Ướp muối
Muối có đặc tính kháng khuẩn cao vì vậy nên trở thành một nguyên liệu hữu dụng giúp bảo quản đồ ăn không cần tủ lạnh được lâu dài. Cụ thể, với các loại thịt cá và một số rau củ, nên ướp chung với muối có nồng độ trên 10%. Vì hầu hết các vi sinh vật không thể chịu được nồng độ muối quá 10%, khi đó sẽ làm ức chế sự phát triển của những vi sinh vật gây ôi thiu thực phẩm.
Bạn cần xát hỗn hợp muối và đường vào thực phẩm tươi, gói chúng vào hộp đựng và bảo quản ở nhiệt độ ổn định, mát mẻ. Quá trình ngâm với nước muối cũng tương tự như vậy, nhưng bạn cần thường xuyên thay dung dịch nước muối.
Khi cần sử dụng, bạn nên ngâm thực phẩm lâu trong nước để loại bỏ lượng muối dư thừa và hạ xuống mức có thể ăn được.
Lên men
Quá trình lên men thực phẩm khá giống với việc đóng hộp nhưng không cần phải niêm phong kín để cho các lợi khuẩn có thể xâm nhập và sử dụng nước muối có tính axit.
Nước muối cho phép thực phẩm của bạn lên men có kiểm soát bằng cách chọn lọc các vi khuẩn kỵ khí, tiêu diệt các loại nấm mốc hoặc chủng vi khuẩn có hại tiềm ẩn, đồng thời vẫn đảm bảo thực phẩm không bị hỏng.
Quá trình lên men khá nhanh chóng, chỉ mất tầm 2 – 3 ngày là có thể sử dụng. Đây cũng là một cách giúp tăng hương vị của món ăn.
Tuy không thể phủ nhận vai trò của tủ lạnh, nhưng với những phương pháp bảo quản thực phẩm trên, bạn có thể giữ đồ ăn tránh bị hư hỏng trong một thời gian. Hãy thử áp dụng để thấy rõ hiệu quả!