Những món ăn tinh tế, tỉ mỉ là một phần không thể thiếu làm nên hương vị đặc trưng Tết Việt. Trải qua rất nhiều mốc thời gian lịch sử, cho dù ở bất cứ đâu, làm gì thì người Hà Nội vẫn luôn giữ gìn hương vị ẩm thực truyền thống. Cùng Forza Việt Nam khám phá 5 món ăn mang phong vị rất riêng của đất Kẻ Chợ – Kinh kỳ trong bài viết dưới đây nhé!
Giò chèm
Sự nổi tiếng của món ăn này được khẳng định vào thời vua Tự Đức, khi làng có cụ Phác, người được vào kinh làm giò tiến vua. Món giò chả của cụ đã chinh phục được nhà vua và sau đó được ban vào hàm cửu phẩm.
Cách chế biến giò Chèm khá cầu kỳ phức tạp, thể hiện ở khâu chọn thịt, giã giò bằng tay, luộc qua củi cùng cái tâm trong sạch của người làm. Khoanh giò ngon nhất khi cắt ra có màu sắc hơi ửng hồng bên trong lớp lá. Đây cũng là món không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết.
Nem vẽ
Nem Vẽ vốn là đặc sản nổi tiếng khắp Hà Thành, được xếp vào hàng cao lương mỹ vị và không thể thiếu trong mâm cỗ ban lộc cho các bậc hiền tài, nhân sĩ thời xưa.
Nguyên liệu chính làm nem Vẽ chua là thịt lợn tươi, được thái thịt thành từng miếng mỏng, nhỏ rồi bỏ vào cối giã. Giã cho đến khi thịt nhuyễn, dẻo quánh thì mới hoàn thành mẻ giã. Nem chín đều, bóc ra không bị mốc, có màu hồng tươi rói, không dính lá được coi là nem ngon. Sự hiện diện của giò Chèm nem Vẽ như một bản song tấu hòa hợp làm tăng phần trang trọng và ấm cúng ngày Tết đoàn viên.
Mứt hoa quả
Không chỉ có các món mặn mà những thức quà ngọt cũng là “linh hồn” của ngày Tết đối với người Hà Nội. Khoảng trước Tết Nguyên đán các bà, các mẹ đã mua hoa quả, rửa sạch, phơi khô trong cái nắng hanh hao của mùa thu để chuẩn bị nguyên liệu làm mứt Tết.
Đủ loại hoa quả như hồng, mơ, mận, chanh, khế, đào, nào gừng, bí, dừa, lạc, cà rốt… Dường như quả gì vào tay người phụ nữ Hà Nội cũng có thể trở thành các loại mứt thơm ngon, ngọt ngào và ấm áp như chính tình cảm mà họ gửi gắm vào đó.
Chè kho vàng
Với nhiều người Hà Nội, không có món ngọt nào thích hợp để cúng tổ tiên ngày Tết như chè kho. Để làm nên đĩa chè ngon vàng, sánh mịn, phải mất khá nhiều công sức trong việc lựa chọn nguyên liệu, đãi đỗ, ngâm gạo, giã nhuyễn, rây mịn bột rồi đun nhỏ lửa và quấy chè.
Món chè kho ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc quấy chè, phải thật đều tay để bột không vón cục, không bén nồi và đạt độ sánh, mịn cần thiết. Có như thế chè mới để được qua ba ngày Tết. Chè kho vàng cùng với xôi gấc đỏ như lời cầu ước về một năm mới phúc lộc dồi dào, may mắn…
Bánh Xuân Cầu
Sự khéo léo, tinh tế của người Hà Nội còn được thể hiện qua các món bánh ngọt. Cho đến nay, cái tên bánh Xuân Cầu (bánh Huê Cầu) có lẽ còn trong ký ức của những người Hà Nội xưa.
Vào đầu năm, ăn bánh Xuân Cầu là cách để xem vận hạn trong năm mới. Đúng sáng mùng Một Tết, nhà nào cũng chuẩn bị vài đĩa bánh với mục đích trước cúng, sau ăn. Khi bỏ chiếc bánh vào chảo mỡ, nếu bánh nở to đều đặn, màu sắc đẹp thì năm đó ắt mọi việc sẽ thuận lợi, làm ăn phát đạt.
Chính việc thích ăn ngon, cầu kỳ trong thưởng thức, không dễ thay đổi khẩu vị ấy đã khiến ẩm thực người Tràng An thực sự đặc biệt, đậm đà bản sắc riêng, dễ khiến người ta “phải lòng”. Forza hy vọng nếu có cơ hội thưởng thức các món ăn này bạn cũng sẽ cảm nhận được hương vị ngày Tết của người Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn và bảo tồn đến ngày nay.
- Khái niệm máy hút mùi và những vấn đề thường gặp khi sử dụng
- Khám phá công thức làm bánh xèo 3 miền ngon tuyệt hảo
- Bếp hồng ngoại là gì? Những điều bạn cần biết về bếp hồng ngoại
- Inox 304 là gì? Tại sao sản phẩm Forza yêu thích sử dụng inox 304?
- 5 món ăn tốt cho người bị cảm lạnh trong thời tiết giao mùa