Hóa đơn tiền điện mỗi tháng tăng vọt khiến bạn cảm thấy xót ruột, đau đầu để tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục. Những lúc như thế, chắc hẳn trong đầu bạn sẽ đặt ra những câu hỏi tương tự như tại sao tháng này lại dùng nhiều điện như vậy và làm thế nào để tiết kiệm điện một cách hiệu quả nhất?
Để sử dụng các thiết bị một cách hợp lý, cách tốt nhất chính là tính toán lượng điện năng tiêu thụ trên từng loại thiết bị điện. Thế nhưng, công thức tính như thế nào? Tất cả câu trả lời sẽ nằm ở bài viết bên dưới.
Công thức tính lượng điện tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình
Thông thường, trên các thiết bị điện gia dụng trong gia đình đều có ghi công suất hoạt động của sản phẩm. Thông qua những con số cụ thể đó, chúng ta sẽ tính được lượng điện tiêu thụ trong tháng là bao nhiêu. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy công suất của thiết bị trên bao bì hay trên nhãn năng lượng.
Công thức tính lượng điện tiêu thụ của các thiết bị điện gia dụng như sau:
A = P.t
Trong đó:
- A là lượng điện tiêu thụ trong thời gian t.
- P là công suất (đơn vị KW).
- t là thời gian sử dụng (đơn vị giờ).
Ví dụ máy hút mùi kính cong FZ-700 LX có công suất 80W (0.08kW), bạn sử dụng 4 tiếng trong 1 ngày, lượng điện tiêu thụ trong 1 ngày sẽ là 0.32 kWh (0.08kW x 4h). Vậy lượng tiêu thụ trong 30 ngày là 9,6kW
Với riêng máy hút mùi, với đơn giá hiện nay 1,678đ/kW cho 50 kW đầu tiên thì số tiền điện ước tính phải thanh toán là:
9,6 x 1,678 = 16,1088đ
Tuy nhiên, lượng điện tiêu thụ thực tế có thể sẽ ít hơn vì mức công suất ghi trên thiết bị thường là công suất tối đa và không phải lúc nào các thiết bị điện cũng chạy với công suất tối đa như thế.
Mẹo sử dụng thiết bị điện gia dụng một cách tốt nhất
Bạn đau đầu với hóa đơn tiền điện hàng tháng và không biết phải làm như thế nào để sử dụng thiết bị gia dụng một cách tiết kiệm nhất. Vậy thì cùng tham khảo và áp dụng những mẹo sử dụng thiết bị điện gia dụng dưới đây nhé!
Tivi
Tivi là thiết bị được sử dụng hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng tivi để tiết kiệm điện năng một cách tối đa. Sự thật là tivi càng to sẽ càng tốn điện. Do đó, hãy lựa chọn kích cỡ tivi phù hợp với căn phòng của mình. Bên cạnh đó, cũng không nên mở tivi với âm lượng quá lớn và màn hình ở chế độ quá sáng. Bởi lẽ, độ tương phản càng cao, màu càng đậm thì càng tiêu hao nhiều điện, giảm tuổi thọ của đèn màn hình.
Bếp từ
Bếp từ cũng là nguồn tiêu tốn khá nhiều điện năng mà bạn không để ý tới. Ngay từ khi bắt đầu mua bếp, bạn nên lựa chọn nồi nấu đúng kích thước, đúng chất liệu. Việc sử dụng đúng nồi nấu sẽ rút ngắn thời gian làm chín thức ăn, tiết kiệm điện năng một cách hiệu quả.
Khác với bếp gas và bếp hồng ngoại, bếp từ khá kén nồi. Nồi inox, nồi được làm bằng chất liệu gang, gang tráng men,… là một vài gợi ý tuyệt vời dành cho bếp từ nhà bạn. Đây đều là chất liệu có khả năng hấp thụ nhiệt, tản nhiệt nhanh chóng trong quá trình nấu nướng. Cùng với đó, chúng cũng giúp tăng công suất làm việc của bếp.
Đặc biệt, vì bếp từ phải vận hành với công suất lớn cho nên nấu ăn ở nhiệt độ cao trong thời gian dài chẳng những hao phí điện năng mà còn ảnh hưởng tới các thiết bị bên trong. Do đó, hạn chế nấu ăn bằng bếp từ với nhiệt độ cao trong thời gian dài là tốt nhất.
Nồi cơm điện
Mẹo tiết kiệm điện năng khi sử dụng nồi cơm điện chính là hãy sử dụng nước ấm để nấu cơm. Khi cho nước vào nồi, hãy đảm bảo rằng gạo đã ngập nước và được trải đều tránh tình trạng chỗ nhiều chỗ ít. Như vậy, thời gian nấu sẽ rút ngắn hơn mà cơm cũng mềm và ngon hơn.
Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc khăn hay một miếng vải phủ lên nắp nồi trong khi nấu. Điều này giúp cho nhiệt lượng không bị tỏa ra bên ngoài, rút ngắn thời gian đun nấu. Đặc biệt, hãy thường xuyên vệ sinh mâm nhiệt, nắp nồi giúp nhiệt lượng truyền dẫn tốt hơn, ít hao phí điện năng.
Tủ lạnh
Khi lắp đặt, tránh để tủ lạnh sát tường vì hệ thống làm lạnh ở phía sau sản phẩm không có không khí luồn vào để làm mát nên về lâu dài tủ lạnh sẽ nhanh hỏng, độ bền giảm và tiêu thụ điện năng cao. Hạn chế đóng, mở cửa tủ lạnh thường xuyên, luồng hơi lạnh thoát ra ngoài nhiều sẽ làm hao phí điện năng.
Trong quá trình dự trữ, nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh sao cho hợp lý, phù hợp với khối lượng thực phẩm. Hãy sắp xếp thực phẩm thật ngăn nắp và có khe hở để luồng khí lạnh được lưu thông giúp hạn chế tiêu hao năng lượng. Đối với thực phẩm còn nóng, hãy để bên ngoài cho đến khi nguội hẳn mới đặt vào tủ lạnh.
Hãy sử dụng đồ đựng thực phẩm bằng kim loại thay cho những món đồ bằng nhựa. Quan trọng hơn hết, luôn đặt đá hoặc thực phẩm đông lạnh vào ngăn mát để giữ lạnh ngăn này và hạn chế sự hoạt động của bộ phận chế lạnh, điều này giúp tiết kiệm được khá nhiều lượng điện năng tiêu thụ.
Máy hút mùi
Đối với máy hút mùi, để đảm bảo máy hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện một cách tối ưu, ngoài việc vệ sinh thường xuyên thì bạn cũng nên bảo dưỡng định kỳ 1 lần/năm.
Hơn nữa, cần cung cấp nguồn điện ổn định để máy hoạt động tốt hơn, tiết kiệm điện năng khi vận hành. Không nên rút phích cắm của máy ra khỏi nguồn điện thường xuyên. Điều này chẳng những khiến tiêu tốn điện năng mà còn giảm tuổi thọ của máy. Tốt nhất, bạn nên ngắt máy khỏi nguồn điện 1 tuần/lần để bảo dưỡng và làm vệ sinh máy.
Như vậy, chỉ với cách tính đơn giản trên, bạn đã có thể ước lượng được số điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình, từ đó có những phương án sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhất.