Hành, tỏi và các loại rau thơm là một trong những loại gia vị được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Chúng đóng vai trò như một loại hương liệu giúp tăng hương vị và màu sắc cho món ăn. Tuy nhiên, vì nhu cầu của thị trường là rất lớn nên các loại cây gia vị này dễ bị sử dụng các chất kích thích tăng trưởng và gây nguy hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Có một cách tốt hơn giúp bạn tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được chất lượng và độ an toàn, đó là tự tay trồng chúng trong nhà bếp của bạn. Cùng FORZA Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về cách trồng hành, tỏi tại nhà thông qua bài viết dưới đây nhé!
Lợi ích của việc trồng hành, tỏi tại nhà
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, trồng hành, tỏi tại nhà còn mang tới nhiều ưu điểm về chất lượng và độ an toàn cho sức khỏe. Đồng thời mang lại sự tiện lợi trong quá trình nấu nướng. Bạn sẽ chẳng phải đi xa để mua bổ sung chúng vì lỡ “quên” trong lúc tìm mua thực phẩm.
Ngoài ra, một vài chậu gia vị nhỏ xinh cũng đóng vai trò như một loại cây để bàn, trang trí cho không gian nhà bếp thêm phần tự nhiên. Chúng còn có khả năng đuổi ruồi muỗi và các loại côn trùng, giúp cho căn bếp nhà bạn luôn thoáng sạch.
Cách trồng tỏi, hành tại nhà
Trồng hành, tỏi không tốn quá nhiều diện tích và các công đoạn thực hiện cũng không quá cầu kỳ.
Trồng hành lá
Hành lá là loại cây có thể trồng quanh năm, rất dễ sống và dễ trồng. Có thể thực hiện trồng qua hai phương pháp là trồng trong đất hoặc trồng thủy canh. Ngoài việc sử dụng hành mới để trồng, bạn có thể sử dụng chính các gốc hành bỏ đi để trồng mới.
Trồng trong chậu đất
Chuẩn bị: Chậu, thùng xốp có lỗ thoát nước, đất mùn ẩm và hành cần trồng.
Thực hiện: Cắt phần lá của hành, giữ lại phần trắng và trồng vào đất, sâu khoảng 3cm. Khoảng cách giữa các hốc khoảng 20cm, mỗi hốc gồm 2 tép hành. Tưới nước thường xuyên để duy trì độ ẩm.
Khi hành phát triển đến một độ nhất định, cắt lá hành sử dụng và tiếp tục bón phân để kích thích và duy trì sự sống cho cây.
Trồng thủy canh
Chuẩn bị: Tương tự như với trồng trong chậu đất, hành cũng được ngắt bỏ lá, giữ lại cuống trắng, rễ và đưa vào trồng trong cốc chứa nước.
Thực hiện: Cắm ngập rễ hành vào nước để cây không bị thối, hỏng. Đặt tại vị trí có ánh sáng nhẹ, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và thay nước 2 ngày một lần. Khi hành có thể sử dụng, ngắt lá và hòa tan một chút phân hữu cơ vào nước để kích thích hành tiếp tục phát triển.
Trồng tỏi
Quy trình trồng tỏi rất đơn giản, các phương pháp trồng và thực hiện cũng không quá khác biệt so với trồng hành.
Trồng trong chậu đất
Chuẩn bị: Chậu đất hoặc thùng xốp có lỗ thoát nước và lượng tỏi muốn trồng.
Thực hiện: Tỏi bóc nhánh, ngâm qua với một chút nước pha với baking soda hoặc nước rong biển để diệt khuẩn và giúp tỏi phát triển tốt hơn.
Đặt các nhánh tỏi sâu khoảng 5cm, khoảng cách từ 10-16cm tùy vào diện tích chậu. Sau đó phủ thêm một lớp rơm hoặc xơ dừa để duy trì độ ẩm cho đất.
Khi tỏi phát triển, ra ngồng, có thể cắt ngồng tỏi để chế biến và để cây tiếp tục phát triển. Sau khi lá tỏi chuyển sang màu vàng nâu thì có thể thu hoạch, phơi khô và cắt củ để dự trữ.
Trồng thủy canh
Tách lớp vỏ bên ngoài các tép tỏi, lưu ý chỉ dùng tỏi đã mọc mầm để trồng thủy canh. Để ngập rễ tỏi ở độ sâu khoảng 5cm. Luôn đảm bảo độ ẩm và ánh sáng vừa đủ cho cây.
Một số lưu ý khi trồng và chăm sóc hành, tỏi tại nhà
- Đảm bảo đủ ánh sáng và lượng nước cần thiết cho cây. Đối với phương pháp trồng trong chậu đất, không nên tưới nước quá nhiều, tránh làm rễ cây bị úng.
- Đối với phương pháp trồng thủy canh, nên chú ý thay nước và cấp nước thường xuyên. Rễ cây trồng thủy sinh có tốc độ hút nước rất nhanh, cần đảm bảo lượng nước luôn đủ để cây phát triển tốt nhất.
Trên đây là những kiến thức về cách trồng hành, tỏi tại nhà. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi mang tới sẽ giúp bạn có thêm các phương pháp chăm sóc gia đình, tiết kiệm chi phí hiệu quả hơn!