Chảo chống dính là vật dụng vô cùng quen thuộc trong nhà bếp giúp cho việc xào nấu, chiên rán trở nên nhanh chóng và thơm ngon hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều thói quen tưởng vô hại nhưng lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bong tróc lớp chống dính, vừa giảm tuổi thọ sản phẩm vừa gây hại cho sức khỏe.
Dưới đây là 7 sai lầm phổ biến khiến chảo chống dính nhanh hỏng mà nhiều chị em vẫn thường mắc phải.
Dùng vật dụng bằng kim loại để nấu ăn
Không ít bà nội trợ vẫn thường có thói quen sử dụng vật dụng bằng kim loại để nấu ăn trên chảo chống dính. Tuy nhiên trên thực tế, chúng có thể khiến cho lớp chống dính của chảo dễ dàng bong tróc.
Từ đó thức ăn vẫn có thể dính vào đáy chảo khiến cho quá trình chiên rán trở nên khó khăn hơn và giảm tính thẩm mỹ của món ăn. Thay vào đó, sử dụng vật dụng nấu ăn bằng gỗ hay silicon sẽ là lựa chọn tốt hơn rất nhiều.
Thường xuyên đun nấu thực phẩm có tính axit mạnh
Việc thường xuyên chế biến thực phẩm có tính axit như cà chua, cam, quýt, chanh sẽ khiến cho chảo khó có thể giữ được lớp chống dính ban đầu sau một khoảng thời gian sử dụng.
Đây là nhóm thực phẩm có khả năng đẩy nhanh quá trình “lão hóa” của bề mặt chảo khiến lớp chống dính phồng rộp một cách từ từ. Vì vậy nếu có thể, hãy ưu tiên việc đun nấu thực phẩm có tính axit mạnh trong chảo gang.
Chẳng hạn với món sườn xào chua ngọt, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chảo chống dính để rán sườn nhưng hãy dùng một chiếc nồi khác để chuyển sang làm sốt chua ngọt nhé!
Đun nấu ở nhiệt độ quá cao
Hãy hạn chế đun nấu ở nhiệt độ quá cao với chảo chống dính vì điều này chẳng những làm giảm tuổi thọ của chảo mà còn thải hóa chất độc hại từ khói của lớp chảo chống dính ra bên ngoài không khí.
Làm nóng chảo quá lâu
Một trong những sai lầm mà hầu hết chị em đang mắc phải chính là đợi chảo thật nóng mới bắt đầu cho dầu, mỡ vào để chiên, xào hay phi thơm gia vị.
Tuy nhiên, điều này chỉ hợp lý với chảo gang và chảo thường vì nó giúp thức ăn bớt dính chảo hơn nhưng hoàn toàn không hợp lý đối với chảo chống dính.
Với chảo chống dính, hãy đảm bảo rằng trong chảo đã được chuẩn bị sẵn một lớp chất béo trước khi chảo nóng lên. Bên cạnh đó, cũng không nên làm nóng chảo đến mức khiến cho chúng bốc khói.
Lúc này, hãy giảm nhiệt ngay lập tức đồng thời mở cửa sổ, quạt điện gần đó để loại bỏ khói độc ra bên ngoài, tránh gây hại cho sức khỏe về lâu về dài.
Sử dụng miếng kim loại để cọ rửa
Cọ rửa, vệ sinh chảo chống dính bằng miếng kim loại là sai lầm của không ít chị em nội trợ. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất tẩy rửa nặng và chà sát quá mạnh sẽ khiến cho lớp chống dính bị bào mòn. Do đó, để sản phẩm phát huy đúng tác dụng vốn có, hãy đối xử với chúng thật nhẹ nhàng nhất có thể.
Cho vào máy rửa bát
Máy rửa bát là thiết bị nhà bếp vô cùng tuyệt vời nhưng không phải là giải pháp lý tưởng trong việc vệ sinh chảo chống dính. Hóa chất và sự thay đổi nhiệt độ trong máy rửa bát có thể là nguyên nhân khiến cho lớp chống dính của chảo bị bong tróc.
Cách dễ dàng nhất để vệ sinh chảo chống dính đó là làm sạch bên ngoài bằng nước rửa chén để loại bỏ thức ăn thừa sau đó dùng miếng bọt biển mềm vệ sinh trong và ngoài bề mặt chảo cho đến khi sạch sẽ.
Sắp xếp không khoa học
Vệ sinh chảo sạch sẽ thôi là chưa đủ, bước tiếp theo cũng vô cùng quan trọng mà nhiều người lại vô tình không để ý chính là quá trình bảo quản. Nếu có thể, hãy tránh xếp chồng nồi chảo lên nhau vì sự cọ xát có thể xảy ra làm xước mất lớp chống dính. Cẩn thận hơn nữa, bạn hãy lót bên dưới một chiếc khăn mềm để bảo vệ chảo tốt hơn nhé!
Như vậy, chính những thói quen tưởng như vô hại lại chính là nguyên nhân hàng đầu khiến cho chảo chống dính nhanh hỏng. Song bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho sức khỏe gia đình. Hy vọng bài viết vừa rồi sẽ giúp bạn sử dụng và bảo quản chảo chống dính tốt hơn!