Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và các loại thuốc kích thích là những hóa chất độc hại được sử dụng cho cây trồng để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất. Tuy nhiên, tham vọng làm giàu quá lớn khiến nhiều người sử dụng lượng hóa chất vượt mức cho phép.
Tình trạng rau ngâm hóa chất được bày bán tràn lan trên thị trường là mối lo ngại lớn với chị em nội trợ. Vậy làm thế nào để nhận diện được rau sạch và rau có hóa chất? Dưới đây là một số cách phân biệt các loại rau thông dụng mà bạn cần lưu lại!
Giá đỗ
Giá đỗ sau khi làm sẽ phải mất từ 3 – 4 ngày mới có thể thu hoạch. Thế nhưng, để vừa tiết kiệm thời gian mà vừa bán được số lượng lớn, một số người đã sử dụng “mánh khóe” ngâm giá trong hóa chất giúp kích thích sự tăng trưởng.
Giá có máu trắng nhạt, thân và rễ dài, khó gãy là giá sạch. Ngoài ra, giá đỗ sạch có phần lá mở, dễ thấy mầm lá nhú lên màu vàng hoặc màu xanh.
Giá ngâm hóa chất sẽ có màu trắng tinh, thân tròn, ít rễ, hai hạt mầm đóng chặt nhau trông khá bắt mắt. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây ngộ độc.
Rau muống
Có thể bạn chưa biết, rau muống là loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá dễ tồn dư thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, nhiễm chì có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Rau muống sạch sẽ có ngọn nhỏ, thân rắn chắc, màu lá xanh tự nhiên và có vệt nhựa loãng ngắt cuống.
Theo Ths.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM cho biết, khi dùng quá nhiều phân đạm, phân bón, những cọng rau muống sẽ rất giòn, có thân to hơn bình thường, khi luộc có màu xanh nhạt, khi nguội có màu xanh đen, kết tủa đen, vị chát.
Rau cần nước
Rau cần nước hay cần ta là nguyên liệu của nhiều món ăn ngon trong bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng sản lượng bán ra, nhiều người đã sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc kích thích giúp rau tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Rau còn tồn dư hóa chất độc hại sẽ có một số đặc điểm như thân rau to, ngó trắng phau bất thường, sau một ngày không nhúng nước, thân sẽ bị khô héo.
Rau mồng tơi
Rau mồng tơi sạch có thân vừa phải, lá nhỏ, mỏng, có màu xanh tự nhiên nhưng không bóng mượt. Ngược lại, rau mồng tơi có tồn dư nhiều hóa chất sẽ có lá óng, mượt, mẫm mụp, không sâu bệnh.
Rau cải
Có rất nhiều loại rau cải khác nhau như cải đắng, cải ngồng, cải ngọt, cải thìa,… Để nhận biết đâu là rau cải sạch, đâu là rau cải còn tồn dư hóa chất, hãy nhìn vào màu sắc lá của chúng.
Thường thì rau cải khi được phun thuốc trừ sâu hay được bón nhiều phân đạm nitrat sẽ có màu xanh non mơn mởn, phần thân chắc mập, bẹ ngoài cùng thường trông cứng hơn, đều tăm tắp một cách bất thường. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên sử dụng các loại cải này đặc biệt là ăn sống.
Rau bí
Rau bí là nguồn cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu như không lựa chọn rau bí sạch, việc tiêu thụ dư lượng chất hóa học còn tồn dư trong rau sẽ để lại mối nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và gia đình.
Rau bí ngâm hóa chất thường có các đốt rau và phần cuống lá khá dài, mềm, dễ bị dập nát, phần tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen hoặc xanh nhạt không tự nhiên. Đây là dấu hiệu nhận biết rau bí được bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.
Cà chua
Ngoài phun thuốc sâu, cà chua còn được nhiều người ngâm thuốc làm chín để trông bắt mắt và dễ bán hơn. Loại cà chua này bao giờ cũng mập mạp, bóng đều, không cuống vì sử dụng chất bảo quản rất lâu. Khi nấu, quả cà chua chín giấm sẽ ít bột, rất lâu nhừ và có màu đỏ nhợt nhạt.
Nếu như cà chua bình thường chỉ có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 7 ngày thì cà chua chín giấm thậm chí có thể để được 1 tháng mà không bị hư hại.
Trên đây là cách nhận biết 7 loại rau củ dễ tồn dư nhiều hóa chất mà bạn nên lưu lại để trở thành người nội trợ thông thái. Hy vọng những thông tin mà FORZA Việt Nam vừa chia sẻ sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình đúng cách.